Điều trị sâu răng cho trẻ
I. RĂNG SỮA CÓ VAI TRÒ GÌ?
Răng sữa là những chiếc răng mọc trong thời kỳ trẻ bú mẹ, còn được gọi là răng tạm thời vì chúng chỉ ở với bé vài năm rồi được thay thế bằng răng vĩnh viễn. Tuy vậy, chúng lại có vai trò rất quan trọng đối với tiêu hóa, phát âm và sự phát triển hàm mặt.
Công dụng chính của răng sữa là giúp nhai và nghiền nhỏ thức ăn. Vì sau 6 tháng tuổi, trẻ bắt đầu ăn dặm, đó cũng là thời điểm những chiếc răng sữa đầu tiên xuất hiện.
Thông thường một chiếc răng sữa mọc lên và đứng trên cung hàm, sau vài năm thì chân răng bắt đầu tiêu dần, chuẩn bị nhường chỗ cho một chiếc răng vĩnh viễn mọc lên ngay đúng vị trí đó. Nếu răng sữa bị sâu, hỏng sớm, phải nhổ khi chưa đến tuổi thay sẽ ảnh hưởng tới quá trình mọc răng vĩnh viễn tương ứng, răng vĩnh viễn có thể sẽ mọc chậm, mọc lệch, gây ra lệch lạc khớp cắn ở bộ răng sau này.
Răng sữa có vai trò kích thích sự phát triển của xương hàm . Nhờ chúng, bé có thể nhai, cắn thức ăn được, động tác này làm cho các cơ và xương hàm phát triển bình thường, đảm bảo chức năng cũng như thẩm mỹ cho khuôn mặt của bé.
Răng sữa còn có vai trò quan trọng trong việc phát âm; nếu răng sữa bị hỏng sớm phải nhổ, bé có thể nói ngọng.
Mặc dù răng sữa có những công dụng lớn lao như vậy, tuy nhiên răng sữa lại rất dễ bị sâu và sự tiến triển sâu răng trên răng sữa diễn ra rất nhanh, do vậy cha mẹ cần đặc biệt quan tâm chăm sóc răng cho trẻ.
II. SÂU RĂNG SỮA PHÁT TRIỂN NHƯ THẾ NÀO?
Sâu răng là bệnh răng miệng thường gặp nhất ở trẻ em.
Chúng ta hãy cùng tìm hiểu sâu răng phát triển như thế nào nhé.
Trong miệng, có rất nhiều vi khuẩn. Hàng trăm vi khuẩn khác nhau sống trên bề mặt của răng, lợi, lưỡi và những nơi khác trong miệng. Một số trong đó đó là những vi khuẩn tốt. Nhưng một số khác lại có hại cho sức khỏe răng miệng và gây sâu răng.
Sâu răng là kết quả của một quá trình nhiễm trùng do vi khuẩn sử dụng đường trong thức ăn để sản sinh ra a-xít. Theo thời gian, những a-xít này sẽ làm mất khoáng hóa tổ chức cứng và tạo ra những lỗ sâu trên răng.
Khi răng bị a-xít tấn công , ví dụ: trẻ thường xuyên ăn uống các chất có nhiều đường và tinh bột, sẽ làm cho quá trình mất khoáng men răng diễn ra liên tục. Một chấm trắng (white spot) có thể sẽ xuất hiện. Đó là dấu hiệu sâu răng sớm.
Sâu răng có thể được ngăn chặn và điều trị từ những dấu hiệu này. Men răng có thể tự tái khoáng hóa bằng cách sử dụng các khoáng chất có trong nước bọt và fluoride trong kem đánh răng hoặc các vật liệu chuyên dùng do nha sĩ điều trị.
Tuy nhiên, nếu như quá trình sâu răng vẫn tiếp diễn, sự mất khoáng diễn ra rõ rệt hơn, càng ngày men răng càng trở nên yếu đi và bị phá hủy, hình thành lỗ sâu trên răng. Lỗ sâu trên răng là một tổn thương mà răng không có khả năng tự hồi phục. Lúc đó, để điều trị tổn thương này cần phải làm sạch lỗ sâu và trám (hàn) lại.
Tần suất sử dụng đường giữa các bữa ăn là nguyên nhân chính dẫn đến sâu răng, chứ không phải là lượng đường sử dụng. Trẻ thường xuyên ăn vặt và uống các sản phẩm có đường thì nguy cơ sâu răng càng cao. Ngoài ra còn các nguyên nhân khác gây sâu răng như: giảm tiết nước bọt ở trẻ, trẻ ngậm cơm, bú bình, vệ sinh răng miệng kém…
Quá trình sâu răng ở trẻ em và người lớn là hoàn toàn giống nhau. Tuy nhiên răng sữa kém khoáng hóa hơn răng vĩnh viễn nên trẻ em có nguy cơ sâu răng cao hơn. Bên cạnh đó, răng sữa có tổ chức men và ngà mỏng hơn do vậy tiến triển sâu răng cũng nhanh hơn.
III. LÀM THẾ NÀO CHÚNG TA CÓ THỂ NGĂN CHẶN NGUY CƠ SÂU RĂNG Ở TRẺ?
1. Sử dụng fluor
Fluor là một khoáng chất cần thiết để ngăn ngừa sự phát triển của sâu răng. Nó ngăn chặn quá trình mất khoáng và thay thế các khoáng chất bị mất, ngoài ra Fluor còn làm giảm khả năng sản sinh a-xít của vi khuẩn.
Cách đơn giản nhất giúp bạn dự phòng sâu răng là thường xuyên sử dụng kem đánh răng có chứa Fluor.
Nếu như con bạn có nguy cơ sâu răng cao, bạn cần đưa trẻ đến nha sĩ để được kiểm tra và nếu cần thiết, nha sĩ sẽ phủ một lớp véc-ni hoặc gel Fluor lên bề mặt răng của bé.
2. Để ý đến chế độ ăn của trẻ.
Bố mẹ nên đặc biệt quan tâm đến chế độ ăn của trẻ vì đây là một yếu tố quan trọng để góp phần chăm sóc sức khỏe răng miệng.
Các mẹo nhỏ giúp phòng tránh sâu răng
- Hạn chế ăn vặt. Điều này làm giảm lượng a-xít được sản sinh trong miệng, giúp cho môi trường miệng có thời gian để tái khoáng hóa mô răng.
- Dạy trẻ để dành kẹo, bánh quy, nước ngọt và các thức uống nhiều đường cho những dịp đặc biệt (sinh nhật, lễ hội, party…)
- Hạn chế uống nước hoa quả có đường.
- Luôn đảm bảo rằng con bạn không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì chứa đường trước khi đi ngủ (sau khi bé đánh răng buổi tối). Lưu lượng nước bọt giảm trong khi bé ngủ, do đó khả năng tái khoáng hóa của răng sẽ giảm sau khi bị a-xít tấn công.
3. Luôn để ý quá trình chải răng của bé.
Như đã nói ở trên, chải răng với kem đánh răng có chứa fluoride rất quan trọng trong việc phòng ngừa sâu răng.
Bố mẹ cần phải biết:
- Trẻ cần phải chải răng tối thiểu 2 lần mỗi ngày.
- Luôn theo dõi quá trình con bạn chải răng.
- Đối với trẻ từ 2 đến 6 tuổi, bố mẹ phải chải răng cho trẻ. Chỉ sử dụng một lượng kem chải răng vừa đủ cho trẻ (có kích thước bằng hạt đỗ đen).
- Luôn khuyến khích và hướng dẫn trẻ nhổ ra chứ không nuốt kem đánh răng. Trẻ em dưới 6 tuổi thường có xu hướng nuốt kem đánh răng khi chải răng. Nếu trẻ thường xuyên hấp thu lượng fluor lớn hơn quy định, trong suốt thời gian hình thành răng (8 năm đầu đời), răng vĩnh viễn sẽ có nguy cơ bị nhiễm màu fluor. Đối với trẻ em dưới 2 tuổi, không khuyên dùng kem đánh răng có chứ fluor trừ trường hợp được chỉ định và sử dụng trực tiếp bởi nha sĩ.
- Cho đến khi trẻ 7 hoặc 8 tuổi trở đi, trẻ có thể tự mình chải răng.. Tuy nhiên, sau mỗi lần chải răng, bố mẹ nên kiểm tra răng của trẻ, nếu chưa sạch hết phải hướng dẫn trẻ chải lại cho sạch.
4. Hỏi ý kiến nha sĩ về việc trám bít hố rãnh.
Mặt nhai của các răng hàm thường có các hố rãnh nhỏ, chải răng rất khó làm sạch những hố rãnh này, do đó đây là một nơi lý tưởng cho vi khuẩn và vụn thức ăn trú ngụ. Trám bít hố rãnh là một cách tốt để giúp phòng ngừa sâu răng.
Nha sĩ sẽ sử dụng một chất trám chuyên dụng, phủ một lớp mỏng lên mặt nhai của các răng hàm. Chất trám bao phủ bề mặt các hố rãnh và tạo thành một hàng rào ngăn cách để bảo vệ răng, phòng ngừa vi khuẩn và vụn thức ăn bám lại.
5. Đưa trẻ đến nha sỹ kiểm tra răng miệng đều đặn.
Bố mẹ nên đưa trẻ đến nha sỹ kiểm tra 6 tháng một lần để làm sạch răng, phát hiện và điều trị kịp thời các tổn thương sâu răng (nếu có).
Bảng Giá Điều Trị Sâu Răng Trẻ Em
- Published in Chăm Sóc Răng Miệng, Nha Khoa Trẻ Em
Chăm sóc răng miệng cho trẻ
1. Khi nào bạn nên bắt đầu chăm sóc răng miệng cho trẻ?
Bạn nên bắt đầu làm sạch răng cho trẻ hai lần một ngày ngay khi bạn nhìn thấy chiếc răng sữa đầu tiên mọc trong miệng trẻ. Bằng việc làm sạch răng miệng sớm, trẻ sẽ có những chiếc răng được làm sạch và luôn cảm thấy đầy phấn khích với việc chải răng, bạn cũng tránh được các vấn đề về chải răng cho trẻ trong tương lai.
Răng sữa đầu tiên của trẻ thường sẽ là răng cửa giữa dưới, mọc khi trẻ khoảng 6 tháng tuổi. Trẻ sẽ mọc đầy đủ 20 răng sữa vào khoảng 2,5-3 tuổi
Tốt nhất bạn nên chải răng cho trẻ cho đến khi trẻ được ít nhất 7 tuổi. Ở tuổi đó trở đi, trẻ sẽ tự mình chải răng được một cách chính xác.
2. Bạn nên mua bàn chải và kem chải răng loại nào cho trẻ?
Ở những lần đầu tiên khi trẻ mới mọc răng sữa bạn nên dùng một miếng gạc (hoặc vải xô) nhỏ quấn quanh đầu ngón tay của bạn, lấy một lượng nhỏ kem đánh răng và chà quanh răng trẻ.
Bàn chải chải răng đầu tiên của trẻ nên là loại có lông mềm, đầu nhỏ và sợi nylon để có thể làm sạch được toàn bộ các ngóc ngách trong miệng trẻ một cách dễ dàng và thoải mái, đặc biệt là với những răng mới mọc. Hãy nhìn trên bao bì để kiểm tra loại bàn chải phù hợp với tuổi của trẻ nhà bạn.
Hãy thay bàn chải của trẻ thường xuyên, khoảng từ 1 – 3 tháng. Không nên giữ bàn chải của trẻ quá 3 tháng hoặc khi các lông bàn chải đã mòn.
3. Loại kem chải răng tốt nhất cho trẻ là gì?
Hãy tìm kiếm loại kem chải răng dành riêng cho trẻ em và chứa fluor, vì fluor sẽ giúp phòng ngừa sâu răng. Hãy kiểm tra kỹ trên bao bì hàm lượng fluor để bảo đảm chắc chắn rằng bạn đã mua cho trẻ loại kem chải răng có hàm lượng fluor chuẩn:
- Với trẻ dưới 3 tuổi nên sử dụng loại kem chải răng có hàm lượng fluor thấp hơn, dưới 500ppm (phần triệu) fluor.
- Với trẻ từ 3 – 6 tuổi, sử dụng kem chải răng có hàm lượng fluor từ 500 – 1000ppm
- Không nên cho trẻ dùng chung kem chải răng với người lớn, vì những loại kem chải răng đó chứa hàm lượng fluor lớn hơn 1000ppm. Chỉ cần một lớp mỏng kem chải răng phủ lên ít hơn ¾ các sợi lông bàn chải là đủ.
- Hãy dạy trẻ cách nhổ kem chải răng ra ngoài sau khi làm sạch răng. Trẻ cần phải có thời gian để làm quen với việc đó. Nếu nuốt một lượng lớn kem chải răng có chứa fluor có thể gây hại cho răng, thậm chí có thể gây nôn và ỉa chảy Hãy dạy trẻ dần dần thói quen chăm sóc răng miệng tốt, vì đây là thói quen sẽ kéo dài suốt cuộc đời.
- Đừng để trẻ ăn hoặc liếm kem chải răng từ tuýp kem. Hãy chọn kem chải răng không có vị ngọt, hay hương trái cây, để trẻ học được rằng kem chải răng không phải là thức ăn.
4. Phương pháp làm sạch răng cho cho trẻ?
Hãy tập cho trẻ thói quen chải răng 2 lần mỗi ngày. Một lần vào buổi sáng, một lần vào buổi tối phù hợp với công việc hàng ngày của bạn. Làm sạch răng vào buổi tối nên thực hiện trước khi đi ngủ, sau khi trẻ ăn hay uống lần cuối.
Bạn hãy đặt trẻ vào đùi mình, đối diện với bạn, tư thế này sẽ giúp bạn nhìn thấy răng trẻ dễ dàng hơn (vị trí này cũng rất tốt khi trẻ nhà bạn mới biết đi).
Chỉ phết một chút kem chải răng lên bàn chải. Bạn nên xoay bàn chải theo vòng tròn nhỏ, nhẹ nhàng ở giữa răng và lợi từng vùng. Lợi của trẻ mềm nên phải rất nhẹ nhàng khi chải răng cho trẻ. Khi bạn đã chải răng xong, hãy chắc chắn rằng trẻ đã nhổ hết kem ra ngoài, nhưng không súc miệng với nhiều nước. Để lại một chút kem chải răng trên răng để kem chải răng phát huy tác dụng.
Nếu trẻ không thích chải răng và cựa quậy đẩy ra thì bạn hãy đưa bàn chải cho trẻ để trẻ tự giữ bàn chải. Đôi khi bạn còn để trẻ tự làm một mình, tuy nhiên trẻ sẽ vẫn cần sự giúp đỡ của bạn vào lúc nào đó.
Bạn hãy để trẻ quan sát mình chải răng càng nhiều càng tốt. Việc này sẽ giúp trẻ có suy nghĩ tốt với việc chải răng trước khi bắt đầu chải.
Nha sĩ sẽ vui vẻ giúp bạn nếu bạn cần thêm sự hướng dẫn.
5. Khi nào bạn nên bắt đầu đưa trẻ tới gặp nha sĩ?
Sẽ là một ý tưởng hay nếu bạn đưa trẻ theo bạn đến nha sĩ mỗi khi bạn tới nha sĩ để khám răng. Việc này sẽ khiến trẻ dần dần thân thiện với môi trường nha khoa hơn.
Hãy đưa trẻ tới nha sĩ kiểm tra răng lần đầu tiên khi trẻ mọc chiếc răng sữa đầu tiên.
6. Tôi nên sử dụng sản phẩm cung cấp fluor nào?
Fluor là một ion trong tự nhiên, ion này hỗ trợ làm giảm nguy cơ sâu răng. Fluor thường ở trong nước tự nhiên, nhưng một số nhà cung cấp nước cũng cho thêm hoặc giảm lượng fluor cho vào trong nước uống một lượng đủ cho sức khỏe răng miệng.
Rất ít khi trẻ cần cung cấp thêm fluor. Chỉ nên bổ sung thêm fluor theo lời khuyên của nha sĩ, vì nha sĩ sẽ kê đơn chính xác liều lượng fluor phù hợp với tuổi của trẻ và nguồn fluor mà trẻ nhận được từ các nguồn cung cấp khác. Một số trẻ sẽ cần thêm fluor theo dạng giọt hoặc viên mỗi 6 tháng. Các sản phẩm bổ sung fluor phải được dùng cẩn thận và giữ xa tầm tay trẻ em.
Nếu bổ sung quá nhiều flour cho trẻ từ khi còn nhỏ thì răng vĩnh viễn của trẻ sẽ có nguy cơ gặp phải tình trạng nhiễm fluor, gây ra tổn thương và nhiễm màu răng. Đó là lý do tại sao việc ngăn trẻ không được nuốt kem chải răng là rất quan trọng, và tại sao trẻ dưới 6 tuổi không nên dùng kem chải răng có hàm lượng fluor cao, vì trẻ sẽ mất một thời gian để học cách nhổ kem ra ngoài trong quá trình làm sạch răng.
7. Cách bảo vệ răng của trẻ?
Nguyên nhân chính gây sâu răng không phải là lượng đường trong chế độ ăn của trẻ, mà là tần suất sử dụng đường hằng ngày.
Mỗi khi trẻ sử dụng đường, vi khuẩn trong miệng sẽ chuyển đường thành acid, acid này sẽ phá hủy bề mặt men răng. Sẽ phải mất vài giờ để răng trẻ có thể hồi phục được những tổn thường này sau khi sử dụng đường. Nếu trẻ có tần suất ăn đường thường xuyên trong ngày thì răng trẻ sẽ không có thời gian để tự hồi phục.
Chỉ cho trẻ ăn hay uống các thực phẩm có đường cùng với bữa ăn chính, như vậy sẽ có khoảng vài giờ giữa các bữa ăn chính có đồ ngọt.
Nếu bạn muốn cho trẻ ăn bữa phụ giữa các bữa ăn chính, hãy chọn các thực phẩm thơm ngon nhưng không có đường, như pho mát, rau…
Bảng Giá Chăm Sóc Răng Miệng Trẻ Em
- Published in Chăm Sóc Răng Miệng, Nha Khoa Trẻ Em