I. RĂNG SỮA CÓ VAI TRÒ GÌ?
Răng sữa là những chiếc răng mọc trong thời kỳ trẻ bú mẹ, còn được gọi là răng tạm thời vì chúng chỉ ở với bé vài năm rồi được thay thế bằng răng vĩnh viễn. Tuy vậy, chúng lại có vai trò rất quan trọng đối với tiêu hóa, phát âm và sự phát triển hàm mặt.
Công dụng chính của răng sữa là giúp nhai và nghiền nhỏ thức ăn. Vì sau 6 tháng tuổi, trẻ bắt đầu ăn dặm, đó cũng là thời điểm những chiếc răng sữa đầu tiên xuất hiện.
Thông thường một chiếc răng sữa mọc lên và đứng trên cung hàm, sau vài năm thì chân răng bắt đầu tiêu dần, chuẩn bị nhường chỗ cho một chiếc răng vĩnh viễn mọc lên ngay đúng vị trí đó. Nếu răng sữa bị sâu, hỏng sớm, phải nhổ khi chưa đến tuổi thay sẽ ảnh hưởng tới quá trình mọc răng vĩnh viễn tương ứng, răng vĩnh viễn có thể sẽ mọc chậm, mọc lệch, gây ra lệch lạc khớp cắn ở bộ răng sau này.
Răng sữa có vai trò kích thích sự phát triển của xương hàm . Nhờ chúng, bé có thể nhai, cắn thức ăn được, động tác này làm cho các cơ và xương hàm phát triển bình thường, đảm bảo chức năng cũng như thẩm mỹ cho khuôn mặt của bé.
Răng sữa còn có vai trò quan trọng trong việc phát âm; nếu răng sữa bị hỏng sớm phải nhổ, bé có thể nói ngọng.
Mặc dù răng sữa có những công dụng lớn lao như vậy, tuy nhiên răng sữa lại rất dễ bị sâu và sự tiến triển sâu răng trên răng sữa diễn ra rất nhanh, do vậy cha mẹ cần đặc biệt quan tâm chăm sóc răng cho trẻ.
II. SÂU RĂNG SỮA PHÁT TRIỂN NHƯ THẾ NÀO?
Sâu răng là bệnh răng miệng thường gặp nhất ở trẻ em.
Chúng ta hãy cùng tìm hiểu sâu răng phát triển như thế nào nhé.
Trong miệng, có rất nhiều vi khuẩn. Hàng trăm vi khuẩn khác nhau sống trên bề mặt của răng, lợi, lưỡi và những nơi khác trong miệng. Một số trong đó đó là những vi khuẩn tốt. Nhưng một số khác lại có hại cho sức khỏe răng miệng và gây sâu răng.
Sâu răng là kết quả của một quá trình nhiễm trùng do vi khuẩn sử dụng đường trong thức ăn để sản sinh ra a-xít. Theo thời gian, những a-xít này sẽ làm mất khoáng hóa tổ chức cứng và tạo ra những lỗ sâu trên răng.
Khi răng bị a-xít tấn công , ví dụ: trẻ thường xuyên ăn uống các chất có nhiều đường và tinh bột, sẽ làm cho quá trình mất khoáng men răng diễn ra liên tục. Một chấm trắng (white spot) có thể sẽ xuất hiện. Đó là dấu hiệu sâu răng sớm.
Sâu răng có thể được ngăn chặn và điều trị từ những dấu hiệu này. Men răng có thể tự tái khoáng hóa bằng cách sử dụng các khoáng chất có trong nước bọt và fluoride trong kem đánh răng hoặc các vật liệu chuyên dùng do nha sĩ điều trị.
Tuy nhiên, nếu như quá trình sâu răng vẫn tiếp diễn, sự mất khoáng diễn ra rõ rệt hơn, càng ngày men răng càng trở nên yếu đi và bị phá hủy, hình thành lỗ sâu trên răng. Lỗ sâu trên răng là một tổn thương mà răng không có khả năng tự hồi phục. Lúc đó, để điều trị tổn thương này cần phải làm sạch lỗ sâu và trám (hàn) lại.
Tần suất sử dụng đường giữa các bữa ăn là nguyên nhân chính dẫn đến sâu răng, chứ không phải là lượng đường sử dụng. Trẻ thường xuyên ăn vặt và uống các sản phẩm có đường thì nguy cơ sâu răng càng cao. Ngoài ra còn các nguyên nhân khác gây sâu răng như: giảm tiết nước bọt ở trẻ, trẻ ngậm cơm, bú bình, vệ sinh răng miệng kém…
Quá trình sâu răng ở trẻ em và người lớn là hoàn toàn giống nhau. Tuy nhiên răng sữa kém khoáng hóa hơn răng vĩnh viễn nên trẻ em có nguy cơ sâu răng cao hơn. Bên cạnh đó, răng sữa có tổ chức men và ngà mỏng hơn do vậy tiến triển sâu răng cũng nhanh hơn.
III. LÀM THẾ NÀO CHÚNG TA CÓ THỂ NGĂN CHẶN NGUY CƠ SÂU RĂNG Ở TRẺ?
1. Sử dụng fluor
Fluor là một khoáng chất cần thiết để ngăn ngừa sự phát triển của sâu răng. Nó ngăn chặn quá trình mất khoáng và thay thế các khoáng chất bị mất, ngoài ra Fluor còn làm giảm khả năng sản sinh a-xít của vi khuẩn.
Cách đơn giản nhất giúp bạn dự phòng sâu răng là thường xuyên sử dụng kem đánh răng có chứa Fluor.
Nếu như con bạn có nguy cơ sâu răng cao, bạn cần đưa trẻ đến nha sĩ để được kiểm tra và nếu cần thiết, nha sĩ sẽ phủ một lớp véc-ni hoặc gel Fluor lên bề mặt răng của bé.
2. Để ý đến chế độ ăn của trẻ.
Bố mẹ nên đặc biệt quan tâm đến chế độ ăn của trẻ vì đây là một yếu tố quan trọng để góp phần chăm sóc sức khỏe răng miệng.
Các mẹo nhỏ giúp phòng tránh sâu răng
- Hạn chế ăn vặt. Điều này làm giảm lượng a-xít được sản sinh trong miệng, giúp cho môi trường miệng có thời gian để tái khoáng hóa mô răng.
- Dạy trẻ để dành kẹo, bánh quy, nước ngọt và các thức uống nhiều đường cho những dịp đặc biệt (sinh nhật, lễ hội, party…)
- Hạn chế uống nước hoa quả có đường.
- Luôn đảm bảo rằng con bạn không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì chứa đường trước khi đi ngủ (sau khi bé đánh răng buổi tối). Lưu lượng nước bọt giảm trong khi bé ngủ, do đó khả năng tái khoáng hóa của răng sẽ giảm sau khi bị a-xít tấn công.
3. Luôn để ý quá trình chải răng của bé.
Như đã nói ở trên, chải răng với kem đánh răng có chứa fluoride rất quan trọng trong việc phòng ngừa sâu răng.
Bố mẹ cần phải biết:
- Trẻ cần phải chải răng tối thiểu 2 lần mỗi ngày.
- Luôn theo dõi quá trình con bạn chải răng.
- Đối với trẻ từ 2 đến 6 tuổi, bố mẹ phải chải răng cho trẻ. Chỉ sử dụng một lượng kem chải răng vừa đủ cho trẻ (có kích thước bằng hạt đỗ đen).
- Luôn khuyến khích và hướng dẫn trẻ nhổ ra chứ không nuốt kem đánh răng. Trẻ em dưới 6 tuổi thường có xu hướng nuốt kem đánh răng khi chải răng. Nếu trẻ thường xuyên hấp thu lượng fluor lớn hơn quy định, trong suốt thời gian hình thành răng (8 năm đầu đời), răng vĩnh viễn sẽ có nguy cơ bị nhiễm màu fluor. Đối với trẻ em dưới 2 tuổi, không khuyên dùng kem đánh răng có chứ fluor trừ trường hợp được chỉ định và sử dụng trực tiếp bởi nha sĩ.
- Cho đến khi trẻ 7 hoặc 8 tuổi trở đi, trẻ có thể tự mình chải răng.. Tuy nhiên, sau mỗi lần chải răng, bố mẹ nên kiểm tra răng của trẻ, nếu chưa sạch hết phải hướng dẫn trẻ chải lại cho sạch.
4. Hỏi ý kiến nha sĩ về việc trám bít hố rãnh.
Mặt nhai của các răng hàm thường có các hố rãnh nhỏ, chải răng rất khó làm sạch những hố rãnh này, do đó đây là một nơi lý tưởng cho vi khuẩn và vụn thức ăn trú ngụ. Trám bít hố rãnh là một cách tốt để giúp phòng ngừa sâu răng.
Nha sĩ sẽ sử dụng một chất trám chuyên dụng, phủ một lớp mỏng lên mặt nhai của các răng hàm. Chất trám bao phủ bề mặt các hố rãnh và tạo thành một hàng rào ngăn cách để bảo vệ răng, phòng ngừa vi khuẩn và vụn thức ăn bám lại.
5. Đưa trẻ đến nha sỹ kiểm tra răng miệng đều đặn.
Bố mẹ nên đưa trẻ đến nha sỹ kiểm tra 6 tháng một lần để làm sạch răng, phát hiện và điều trị kịp thời các tổn thương sâu răng (nếu có).
Bảng Giá Điều Trị Sâu Răng Trẻ Em
_________
Nha khoa Quốc tế DND – Nơi trao gửi sức khỏe nụ cười
🍀 157 Bùi Thị Xuân, Hai Bà Trưng, Hà Nội
🍀 Đường Bàng Bá Lân, phường Dĩnh Kế, TP. Bắc Giang
🔹 Website: http://nhakhoadnd.com/
🔹 Fanpage: Nha khoa quốc tế DND
📞 Hotline: 0832.124.124
☎ Tổng đài CSKH: 1800 1055
You must be logged in to post a comment.