DẤU HIỆU MỌC RĂNG KHÔN – CÓ NÊN NHỔ RĂNG KHÔN KHÔNG?
Ai trong số chúng ta cũng sẽ trải qua quá trình mọc răng khôn. Vậy đây là chiếc răng như thế nào? Có chức năng gì đối với cơ thể? Chúng ta có nên nhổ răng không? Hãy cùng DND giải đáp tất cả thắc mắc trong bài viết dưới đây.
Giới thiệu về răng khôn
Răng khôn là những chiếc răng mọc sau cùng khi tất cả các răng trên cung hàm đã mọc hoàn toàn.
Răng khôn thường sẽ mọc trong độ tuổi từ 17 – 25 tuổi. Về cơ bản, chiếc răng này thường không có chức năng gì đặc biệt cho cơ thể, ngược lại còn gây ra khá nhiều khó chịu, biến chứng nguy hiểm nếu mọc lệch, mọc ngầm.
Có những loại răng khôn nào?
Mỗi người sẽ có 4 chiếc khôn mọc ở hàm trên và hàm dưới. Người trưởng thành sẽ có khoảng 32 chiếc răng sau khi mọc đầy đủ răng khôn. Có một số người khác chỉ mọc từ 2 – 3 chiếc răng khôn, cũng có một số trường hợp đặc biệt không mọc chiếc răng nào.
Răng khôn được chia thành 3 loại cơ bản như sau:
- Răng khôn mọc lệch: Răng khôn mọc lệch được coi là trường hợp răng khôn phổ biến nhất. Bạn sẽ cảm thấy mức độ đau nhức khác nhau tùy thuộc vào góc mọc lệch của răng khôn lớn hay nhỏ. Răng khôn mọc lệch thường sẽ chèn sang răng số 7 bên cạnh, thậm chí là ảnh hưởng đến toàn bộ cấu trúc các răng liền kề, cấu trúc xương hàm và gây ra những hậu quả xấu.
- Răng khôn mọc thẳng: So với các trường hợp răng khôn mọc lệch, các trường hợp răng khôn mọc thẳng thường được coi là trường hợp lành tính nhất, ít gây ra nguy hiểm. Quá trình mọc chiếc răng khôn này vẫn sẽ tồn tại những triệu chứng đau nhức khó chịu, tuy nhiên khi răng đã hoàn toàn trồi lên sẽ không còn những dấu hiệu như vậy nữa vì vị trí chiếc răng không xâm lấn sang các răng bên cạnh.
- Răng khôn mọc ngầm: Trường hợp răng khôn mọc ngầm khá đặc biệt, khó có thể phát hiện bằng mắt thường giống các trường hợp khác mà cần chụp X – quang mới có thể phát hiện ra. Răng khôn mọc ngầm tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng với sức khoẻ.
Những dấu hiệu khi mọc răng khôn
Khi mọc răng khôn, cơ thể thường sẽ xuất hiện những biểu hiện sau:
Bị đau đầu hay bị sốt
Mọc răng khôn thường sẽ gây nên biểu hiện đau đầu và sốt. Nguyên nhân nằm ở việc khi mọc răng, chúng ta gặp phải những triệu chứng đau nhức thường xuyên hơn, điều này cũng khiến nhiệt độ cơ thể chúng ta tăng lên cao hơn so với mức bình thường. Tuy nhiên những cơn sốt sẽ giảm bớt khi quá trình mọc răng khôn kết thúc.
Chán ăn
Triệu chứng chán ăn cũng là một biểu hiện khá phổ biến khi mọc răng khôn. Khi cơ thể mệt mỏi, đau nhức vì răng khôn, cảm giác chán ăn vì thế cũng kéo đến. Ngoài ra, khi nhai nghiền thức ăn, thức ăn cũng sẽ chạm vào vị trí lợi bị sưng lên vì răng khôn nên chúng ta khó thoát khỏi cảm giác khó chịu.
Đau nhức vùng lợi
Quá trình mọc răng khôn sẽ khiến cho người bệnh có cảm giác đau nhức vùng lợi. Thực tế cho thấy rằng, nếu kích thước răng khôn càng lớn, cảm giác đau nhức sẽ càng dữ dội hơn, điều này có thể gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến quá trình ăn uống và giao tiếp.
Sưng nướu (lợi)
Tình trạng sưng nướu (lợi) sẽ xuất hiện khi răng khôn bắt đầu mọc lên, và chỉ chấm dứt khi răng khôn mọc lên hoàn toàn, tuy nhiên cũng có những trường hợp răng khôn mọc ngầm gây sưng nướu kéo dài. Trong một số trường hợp nghiêm trọng hơn, người bệnh thậm chí không thể mở được hàm một cách bình thường hoặc không thể nuốt nước bọt.
Những tác hại của việc răng khôn mọc ngầm, mọc lệch
Viêm nha chu
Tình trạng viêm nha chu có thể xảy ra kể cả trong trường hợp răng khôn mọc thẳng. Vị trí mọc răng khôn có thể trở thành nơi trú ngụ của tụ vi khuẩn do các mảng bám thức ăn bám lại khi không được vệ sinh kỹ càng, điều này gây ra tình trạng viêm nha chu cho các răng liền kề bên cạnh.
Viêm lợi
Quá trình mọc răng khôn thường sẽ kéo theo tình trạng lợi trùm. Nguyên nhân xuất phát từ việc bản chất răng khôn vốn là một chiếc răng mọc thừa. Khi mọc sau cùng, lợi sẽ không còn vị trí nào cho răng mọc nên nó bắt buộc phải đẩy lợi để nhú lên. Chính điều này gây ra hiện tượng lợi trùm.
Lợi trùm có thể khiến các mảng bám thức ăn dễ bám vào trong kẽ răng hơn, dễ gây ra tình trạng viêm lợi xung quanh vị trí mọc răng khôn.
Viêm mô tế bào
Một tác hại ảnh hưởng đến sức khỏe con người khi mọc răng khôn đó là viêm mô tế bào. Khi mắc phải tình trạng này, bệnh nhân sẽ xuất hiện một số triệu chứng như da căng, má bị phồng lên, khi chạm vào có cảm giác đau nhức khó chịu. Đặc biệt khi không được điều trị kịp thời, vị trí này có thể bị sưng mủ, viêm loét, nghiêm trọng hơn là nguy hiểm đến tính mạng.
Làm viêm nhiễm răng số 7
Răng khôn mọc lệch khiến cho vị trí các răng trên cung hàm bị xô lệch, xô vào răng số 7 liền kề, gây viêm nhiễm răng số 7.
Nếu răng khôn không được nhổ kịp thời, răng số 7 có nguy cơ bị mất vĩnh viễn là rất cao.
Nguy cơ u nguyên bào răng
Đây là biến chứng hiếm thấy khi mọc răng khôn, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho sức khoẻ, bệnh nhân nếu mắc phải có nguy cơ cắt bỏ nguyên cả phần xương hàm bị u nguyên bào răng.
Có nên nhổ răng khôn không?
Những trường hợp nên nhổ răng khôn
Những trường hợp sau sẽ được chỉ định nhổ răng khôn:
- Răng hàm bị xô lệch do răng khôn mọc lên, thậm chí là làm ảnh hưởng đến vị trí của toàn bộ răng trên cung hàm
- Vị trí mô mềm tại các chân răng nằm sau cùng cung hàm thường xuyên xảy ra hiện tượng nhiễm trùng
- Cấu trúc hàm bị thương tổn do vị trí mọc răng khôn xuất hiện u nang
- Giữa răng khôn và răng số 7 xuất hiện khe giắt thức ăn thừa khiến tụ vi khuẩn phát triển mạnh, gây ra hiện tượng lợi trùm bao quanh
- Hình dạng của răng khôn bất thường gây ảnh hưởng tới răng liền kề
- Răng khôn có tình trạng bị sâu hoặc bị viêm nha chu
Những trường hợp có thể không cần nhổ răng khôn
- Quá trình mọc răng khôn không ảnh hưởng tới các răng liền kề, đặc biệt là răng số 7
- Răng mọc theo hướng thẳng, khớp với vị trí của răng đối diện
- Bệnh nhân có tiền sử mắc các bệnh về tim mạch, tiểu đường, rối loạn thần kinh, máu khó đông
- Bệnh nhân là phụ nữ hiện đang mang thai và trong thời kỳ cho con bú
- Răng không bị biến đổi quá nhiều về hình dạng
Nhổ răng khôn bằng sóng siêu âm Piezotome
Nếu trước đây, phương pháp nhổ răng khôn phổ biến là dùng kìm thì với sự phát triển của công nghê, bạn đã có thể trải nghiệm việc nhổ răng dễ chịu hơn bằng sóng siêu âm Piezotome.
Phương pháp này vô cùng an toàn, hạn chế chảy máu trong toàn bộ quá trình tiểu phẫu, làm giảm nguy cơ xảy ra biến chứng, nguy cơ tổn thương mô mềm, các dây thần kinh hậu phẫu thuật. Thêm vào đó, thời gian hồi phục cũng sẽ được rút ngắn so với phương pháp nhổ răng truyền thống.
Bạn nên lựa chọn phòng khám Nha khoa có trang bị máy Piezotome để nhổ răng khôn không đau và nhanh lành.
- Published in Tin tức